Nửa năm đã trôi qua, liệu bạn đã nắm bắt được xu hướng công nghệ của 2021?
Công nghệ đang ngày càng phát triển và chiếm lĩnh mọi mặt trong cuộc sống. Sự bùng nổ của Covid-19 trong thời gian qua càng khẳng định tầm quan trọng của công nghệ thông tin. Nắm bắt được xu hướng công nghệ không chỉ giúp bạn dễ dàng ứng dụng chúng để phục vụ bản thân, mà còn mở ra rất nhiều cơ hội mới. Dưới đây là 5 xu hướng công nghệ dẫn đầu 2021 (thậm chí là lâu hơn thế nữa)!
1, AI – Trí tuệ nhân tạo
Trí tuệ nhân tạo (AI – Artificial Intelligence) là trí tuệ do con người lập trình nhằm giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người. Xuất hiện từ nửa cuối thế kỷ 20, đến nay AI vẫn tiếp tục là một xu hướng công nghệ. Hiện nay những tác động của AI tới cuộc sống con người vẫn đang ở giai đoạn đầu. AI được biết đến với tính ưu việt trong nhận dạng hình ảnh và giọng nói, ứng dụng điều hướng, trợ lý cá nhân trên điện thoại thông minh, ứng dụng chia sẻ chuyến đi… Chắc bạn không còn lạ gì với “Hey Google!”, “Hey Siri” hay là việc checkin bằng nhận diện khuôn mặt đúng không?
Trong thời gian tới, AI sẽ được sử dụng rộng rãi trong các ngành kinh doanh, dịch vụ. AI giúp phân tích và dự đoán nhu cầu của khách hàng, từ đó đưa tới những quyết định giúp nâng cao trải nghiệm được cá nhân hóa và thúc đẩy doanh thu.
Dự báo chi tiêu toàn cầu cho AI trong năm nay sẽ đạt hơn 57 tỷ đô và thị trường AI sẽ phát triển thành một ngành công nghiệp 190 tỷ đô vào năm 2025. Nhu cầu công việc liên quan đến trí tuệ nhân tạo sẽ ngày càng gia tăng. Và mức lương của các vị trí này chắc chắn sẽ rất hấp dẫn.
2, RPA – Tự động hóa quy trình bằng robot
Ví dụ dễ hiểu nhé! Bạn có hay mua hàng online không? Khi vừa inbox page đã được trả lời ngay. Bạn biết không, người bán hàng thậm chí còn đang không online lúc đó! Đó là tin nhắn tự động, một hình thức thể hiện của RPA đấy.
Nếu như AI có khả năng “tự học” từ một lượng dữ liệu khủng thu thập được, RPA (Robotic Process Automation – Tự động hóa quy trình bằng robot) cần phải được “dạy” để có thể làm giống con người. RPA chỉ một phần mềm được tích hợp vào máy tính hoặc robot, có khả năng bắt chước thực hiện các hoạt động của con người. Thông qua việc thu thập các dữ liệu, RPA sẽ mô phỏng thao tác lặp đi lặp lại thường xuyên và thay thế con người xử lý các tác vụ kỹ thuật số như diễn giải, kích hoạt hay giao tiếp với ứng dụng và hệ thống.
Khoảng 60% công việc có thể tự động hóa một phần. Bên cạnh đó, khoảng 5% công việc có thể tự động hóa hoàn toàn. Việc dùng RPA trong một số công đoạn giúp giảm chi phí cho nguồn nhân lực, cũng như hạn chế những rủi ro về sai sót trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Đó là lý do RPA đang được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực tài chính, kế toán và hơn thế nữa. Thời gian này khi số hóa và chuyển đổi số trở thành ưu tiên hàng đầu ở khắp mọi nơi, chẳng phải là cơ hội cho RPA nở rộ sao?
3, Blockchain – Khối chuỗi
Blockchain là hệ thống cơ sở dữ liệu dạng khối cho phép người dùng lưu trữ và truyền tải thông tin một cách an toàn. Các khối thông tin này được liên kết với nhau bởi một hệ thống mã hoá vô cùng phức tạp. Các dữ liệu chỉ có thể được thêm vào, không thể lấy đi hoặc thay đổi. Chúng hoạt động độc lập, có thể mở rộng theo thời gian và được quản lý trực tiếp bởi những người tham gia. Blockchain được điều khiển bởi sự đồng thuận, chứ không thông qua bất cứ bên trung gian nào.
Nhờ đó blockchain trở nên đáng tin cậy và được ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành. Gần đây bạn có thể thấy bitcoin và các đồng tiền ảo trở nên thịnh hành và phổ biến hơn bao giờ hết. Chúng đều phát triển trên nền tảng blockchain. Nhiều đơn vị cũng đã nhen nhóm ý tưởng trò chơi trên nền tảng khối chuỗi này. Và trong thời gian tới công nghệ blockchain còn có tiềm năng được ứng dụng vào hoạt động quản lý nhà nước, bầu cử và các ngành khác.
4, 5G
5G mang lại tốc độ tải lên và tải xuống dữ liệu nhanh gấp 100 lần, độ trễ thấp hơn 10 lần so với mạng 4G. Điều này cho phép bạn truyền tải dữ liệu nhanh chóng, sử dụng các ứng dụng lưu trữ trên đám mây, ứng dụng điều khiển liền mạch, không bị gián đoạn cũng như xem phim, lướt web, chơi game mượt mà hơn bao giờ hết. Các dịch vụ 5G được kỳ vọng sẽ cách mạng hóa cuộc sống của chúng ta. Nó dự kiến sẽ được sử dụng trong các nhà máy, camera HD giúp cải thiện an toàn và quản lý giao thông, kiểm soát lưới điện thông minh và bán lẻ thông minh nữa.
Gần như mọi công ty viễn thông như Verizon, Tmobile, Apple, Nokia Corp, QualComm,..hay như ở Việt Nam có Viettel, Vinaphone, Mobiphone đều đang đang xúc tiến thử nghiệm và triển khai mạng mạng 5G. Các dịch vụ 5G dự kiến sẽ ra mắt trên toàn thế giới với hơn 50 nhà khai thác cung cấp dịch vụ tại khoảng 30 quốc gia vào cuối năm nay.
Tại Việt Nam, dự báo công nghệ 5G sẽ đóng góp khoảng 7,34% vào GDP nước nhà. Vì vậy, Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông đang có những quyết sách rất lớn nhằm thúc đẩy việc thử nghiệm 5G trên diện rộng, tiến đến thương mại hóa, thậm chí, sử dụng chính các thiết bị Made in Vietnam.
5, VR & AR – Thực tế ảo & Thực tế tăng cường
Nếu như Thực tế ảo (VR – Virtual Reality) đưa bạn vào một môi trường giả lập, thì Thực tế tăng cường (AR – Augmented Reality) sẽ bổ sung một vài yếu tố ảo vào chính môi trường thật của bạn.
Mấy năm vừa qua VR và AR được dùng chủ yếu trong giải trí. Từ cuối năm ngoái, VR và VR thể hiện tiềm năng to lớn trong đào tạo, giáo dục, tổ chức sự kiện, quảng cáo marketing và thậm chí là y tế. Nhất là trong tình hình Covid-19 thì hai loại hình công nghệ này càng được khuyến khích. Chúng giúp nâng cao trải nghiệm cho con người dù không trực tiếp tiếp xúc. Chắc bạn đã biết đến những website tích hợp văn phòng, bảo tàng, ảo để khám phá từ xa. Một vài đơn vị triển khai thăm quan bất động sản ảo để hấp dẫn khách hàng. Bạn thậm chí còn có thể gặp lại người thân đã khuất của mình bằng VR.
Năm 2019, 14 triệu thiết bị AR và VR đã được bán ra. Thị trường AR và VR toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên 209,2 tỷ đô vào năm 2022. Vậy chẳng phải VR và AR sẽ còn thịnh hành hay sao?
Trên đây là Top 5 xu hướng công nghệ năm 2019. Bạn nghĩ sao về các xu hướng này? Theo dõi GameTeam để luôn được cập nhật tin công nghệ mới nhất nhé!